Hôm nay mình phải viết về một bộ phim khiến mình hết sức khó chịu! Mức khó chịu tương đương Nocturnal Animal (thú ăn đêm) và The Power of the Underdog (sức mạnh của kẻ yếu). Đó là một psy thriller mới ra 2023, Fair Play.
Ai chưa xem và không muốn biết chi tiết thì nên dừng tại đây. Spoiler alert!
Cảm giác rất ức chế
Hai nhân vật chính của Fair Play là cô nàng Phoebe mướt mát trong vai Emily (diễn viên thủ vai Daphne của series Bridgeton, series này mình xem có 2 tập thôi nhưng cũng khá phổ biến) Người yêu là Luke, làm chung công ty.
Là phim tâm lý học nên giống hai phim mình nhắc tên ở trên, nó có rất nhiều ẩn dụ. Nhưng bỏ qua khung cảnh văn phòng, yêu đương thì phim nói về bình đẳng giới, và mình phải khen cô đạo diễn là phim đầu tay mà làm rất chắc.
Đầu phim hai người yêu nhau rất hối hả, lôi cuốn, bí mật do chung văn phòng. Nhưng khi Emily được thăng chức và làm việc rất hiệu quả, rising star ở công ty thì Luke cay đắng thấy rõ. Thoạt đầu chỉ là lời nói kiểu: Em ăn mặc gợi cảm như cupcake, dèm pha là yếu đuối khi sếp gọi đt là nghe. Xong dần tới những câu chửi rủa ám chỉ Emily được thăng chức là do ngủ cùng sếp thôi, công ty cần 1 người xinh xinh để tiếp khách thôi. Rồi đến đoạn lên cơn làm ầm ĩ ở văn phòng bảo rằng Emily đã ngủ cùng analyst này đây hai năm trời và hứa giúp thăng chức, sau đó tiếp tục sỉ nhục thậm tệ Emily trước hai gia đình ở tiệc engagement, rồi đỉnh cao là hai người to tiếng trong toilet nhưng rồi cuốn vào nhau bạo lực. Và trong phút chốc, tưởng như đồng thuận mà biến thành một màn dìm đầu hiếp dâm, khẳng định quyền lực.
Xem cả phim rất tức vì Luke bất tài, hãm tài, bí bách, và nhỏ nhen. Tức tập hai do Emily cứ bỏ qua, và confront Luke nhưng không bỏ đi. Mình tức là vì phải mình thì mình bỏ lâu rồi chứ mà ở đó.
Mà mình khen đạo diễn là tuy làm người ta khó chịu đến vậy nhưng không muốn tắt phim, vẫn muốn xem tiếp vì dai dẳng khó chịu quá. Làm đc điều đó không phải dễ.
Chất thriller rùng mình giản dị của cuộc sống thường ngày
Cái thriller của nó có lẽ ở chỗ ai rảnh thử hình dung lật ngược hai vai trò của hai người này sẽ nhận ra những câu chuyện trong đây phổ biến trong đời thực tới cỡ nào.
Mình nghĩ đến những người mẹ gánh trên vai áp lực tài chính để provide cho gia đình, mà bị một người chồng yếm thế, không công nhận vợ mình giỏi, không chấp nhận được sự thật là năng lực tài chính của mình có hạn, nên quay sang trì triết vợ. Các anh như vậy quá nhiều, ở châu Á thì còn tội nghiệp tập 2 do Nho giáo ngấm sâu, xã hội, ba mẹ mong đợi các anh phải đầu đội trời chân đạp đất, đến nỗi chính các anh cũng không thể đối mặt được với sự thật là mong đợi và thực tế nó hoàn toàn có thể không ăn khớp. Rằng không giỏi tài chính mà giỏi nấu ăn, hay chăm sóc gia đình cũng là đóng góp to lớn. Đoạn này xin nhắn gửi một vài ‘người anh’.
Mình thương những người mẹ, người vợ bị gia đình chỉ trích là đi suốt ngày không lo cho gia đình, có khi bố còn nói xấu mẹ để có sự ủng hộ của con cái, họ hàng. Mãi rồi cái sự lạt mềm buộc chặt nó cũng thành căng thôi, thì lúc đó sẽ bị đánh giá là không khéo léo, quyền hành, thậm chí là đầu chỉ tiền nong (k có tiền ai nuôi con? Và làm gì có ai mà cái gì cũng giỏi?). Nghĩ thấy cũng giận nhưng mà thương nhiều hơn vì phổ biến quá. Câu chuyện bình đẳng giới nó thế thôi chứ có gì xa lạ đâu.
Đoạn cuối phim Emily về thấy Luke đã sắp xong hành lý, chia đồ đạc trong nhà ai mua món gì thản nhiên như không và sẵn sàng chuyển đi. Emily mới nhặt con dao lên xỉa cho mấy phát chẩy máu, bắt Luke xin lỗi, bắt thừa nhận rằng đã làm cô tổn thương, rằng anh ta ‘không là gì cả’. Luke đúng một anh đàn ông nhỏ nhen yếm thế cuối cùng cũng bật khóc, nói rằng sẽ làm mọi thứ để sửa lỗi, hỏi có thể làm gì.
Emily cúi xuống, chạm trán thật gần bảo ‘Vậy anh lau sàn nhà sạch máu rồi cút đi’