cà chua và rau thơm từ vườn

Lắp hệ thống tưới hẹn giờ cho vườn cây cũng dễ thôi.

Mình thích mảng vườn nhỏ của mình và trong những lời khuyên về làm vườn, có một câu mình nhớ mãi là: “Tưới vào đất chứ không vào lá”. Câu này nhắc đến sai lầm cơ bản của người ít kinh nghiệm là dùng vòi tưới cho đẫm lá, nhưng đất thì bị khô cây vẫn khát khô cổ. Chưa kể là có những loại cây lại còn dễ bệnh nếu lá bị ướt quá nữa. Sau nữa, mặc dù việc tưới nước là việc khá thư giãn, nó vẫn mất thời gian và hiệu quả chưa chắc đã tốt vì thất thoát nước, những hôm nào bận việc hay đi du lịch xa sẽ phải nhờ người tới giúp.

Bởi vậy việc thiết lập hệ thống tưới nước hẹn giờ quả là tuyệt vời cho mọi khu vườn. Nó sẽ giúp:

  • Tưới đủ nước, đúng giờ cho mỗi loại cây
  • Tiết kiệm nước hơn là tưới tay
  • Hẹn giờ, điều khiển từ xa thuận tiện

Lắp hệ thống này có dễ không?

Sự thực là nó dễ hơn mình tưởng nhiều, trưa nay sau khi đo đạc, tính toán, mình đi mua đồ, và từ 5-8h mình lắp xong vườn trước và hông, còn 2 đoạn nhỏ nữa lắp sau đc. Mình xin chia sẻ lại để ai đang lắp tham khảo nha.

1. Thoạt tiên, hình dung rõ hơn vườn bạn cần nhu cầu tưới nước ra sao?

Vườn nhà chúng ra có hình dạng, kích nước, giờ nắng, vị trí vòi nước và loại cây khác nhau, nên mọi thứ phải thiết kế dựa trên thực tế hình dạng của vườn, cũng như các khu vực trồng cây (hoặc nơi bạn để bồn cây). Xác định đc vườn và bạn cần gì sẽ quyết định thiết bị cần mua. Ví dụ:

  • Vườn có cây hay rau trồng ổn định, chỉ cần drip line, là ống có đục lỗ, nhỏ giọt đều đặn, có thể chôn trong đất. Nếu vườn chỉ cần slow drip cho vườn khỏi khô, chỉ cần đầu tư ống drip line là chính
  • Vườn trồng 1 số rau luân phiên và có lúc cần ít nhiều nước tuỳ trồng loại nào
  • Có cây trồng trong bồn cần tưới cần chạy ống nhỏ riêng.

Mình cần cả 3 thứ trên đây. Nhu cầu cụ thể sẽ quyết định việc mua thiết bị sao cho phù hợp.

Hình miêu tả sơ đồ đường ống và các phần cần mua dựa trên sơ đồ

2. Đo vườn, vẽ sơ đồ để tính toán số lượng vật liệu cần mua

Hãy hình dung ống nước chính như cái xương sống, từ xương sống bạn sẽ tách các nhánh ống nước nhỏ tới từng cây hay khu vực riêng. Như vậy việc đầu tiên là đo xem vườn bạn sẽ cần bao nhiêu m đường ống chính? Sau đó từ ống chính, đếm xem sẽ cần bao nhiêu ”nhánh” nhỏ, ước tính khoảng cách từ ống chính đến khu vực cần tưới là bao nhiêu? Ở đầu của mỗi nhánh chính là một cái ‘vòi tưới’ nhỏ, gọi là tricklers sẽ xòe nước tưới nơi bạn cắm nó xuống.

Khi đi mua mình thấy chủ yếu có 2 loại ống cứng (poly) và mềm (thường có chữ flex), loại mềm mình mua tính ra là loại mềm dùng cho … ao cá, mắc hơn cứng 1 tí, nhưng khi kéo dây vòng vèo thấy dễ hơn, khi ấn các đoạn barbed nối cũng đỡ đau tay hơn rất nhiều. Để tiện tham khảo, mình chọn ống 19mm.

3. Đo cụ thể để tính số lượng cần mua.

Sau khi vẽ sơ, mình đo và chép chi tiết kích thước. Tất nhiên thực tế sẽ xê dịch vì đất có thể lồi lõm, ống thì cong queo, nhưng nếu đo chính xác thì sai số vẫn thấp hơn.

Lúc này cần xem thực tế để biết có đoạn nào cần đi vòng, leo lên thành tường (nhà mình vườn có thành) và từ đó sẽ tính ra được số góc nối, và tổng số mét dây. Mua dư nhớ giữ hoá đơn đem trả lại đc đỡ chạy đi chạy về.

Đo và đánh dấu độ dài cụ thể các đoạn, các nhánh, từ đó tính ra số vật liệu cần dùng

4. Các vật dụng phổ thông

🪴 Đầu tách nhánh (tap) Mỗi gia đình thường có 1 vòi nước cho vườn thôi, nếu bạn nối hệ thống tưới tự động vào đây thì không còn đường nước rời nữa. Bởi vậy nếu bạn muốn lắp thêm vòi tưới nước bằng tay, thì mua thêm đầu tách nhánh này. Nó cho phép tách đường nước làm 2, một vòi chạy hệ thống tưới, 1 cái để nối vòi tước tưới bằng tay

🪴 Hẹn giờ kết nối với WIFI: Gồm 2 phần, cục phát cắm trong nhà, và cục nhận cắm đầu tiên ‘gác cổng’ ngay dưới vòi nước. Hướng dẫn cụ thể và app cài đặt thường đi kèm, và thường đơn giản đủ để ai cũng có thể làm theo

🪴 Ống giảm áp xuất (Pressure reducer): ở đâu nc mạnh quá thì mua thêm cái pressure reducer giúp giảm áp suất, có loại kèm cái lưới lọc tránh đất chẩy ngược vào tắc ống. Mình mua nhưng rồi không dùng tới.

Hình chụp: đầu tách nhánh nối vòi nước, cái giảm áp suất và đầu nhận wifi. Cục phát wifi (cắm trong nhà) và cái đồ cắt ống nước

🪴 Dụng cụ cắt ống (Pipe cutter) Cắt bằng kéo cũng được nhưng ống bị ép góc bẹp, lúc cắm nối sẽ khó hơn. Cái cutter có mấy đô thôi và đỡ bị bẹp ống hơn

🪴 Ống chính (tube) : Loại ống + đường kính, ví dụ: polypine 19mm, 25mm

🪴 Cái bịt đuôi ống (barbed end plug) lưu ý phải đúng kích thước ống chính ở trên, nếu dùng nhiều loại cũng có thể nhầm

🪴Chia nhánh và nối góc (Barb), bạn cần cái này nếu phân nhánh, có một số loại phổ thông: barbed elbow (hình chữ L), tee (chạc 3), cross (chạc 4)

🪴 Bó ống (Clamp): Tất cả các góc nối đều cần bó cho chặt, clamp size cần đi theo size của ống.

Hình chụp cái clamps, cái barb nối góc và một góc sau khi nối xong

🪴 Dụng cụ đục lỗ (Drip punch): Từ ống nc chính nối sang ống nhỏ 4mm thì bạn cần đục lỗ để cắm vào. Trông nó giống một cái kim lớn, phần đuôi xòe rộng để tiện ấn, tạo lực khi đục lỗ. Nếu không có bạn có thể dùng 1 cái screw driver loại nhỏ (nhỏ hơn ống nối, ví dụ ống 4mm thì chỉ dùng cái 2-3mm thôi) muốn dễ đục thì dùng bật lửa hơ cái đầu kim loại, giúp cho việc đục lỗ dễ dàng hơn

🪴 Ống tưới nước (irrigation pipe): Từ ống chính, ta sẽ kéo ống tưới nước tới từng gốc cây hay khu vực cần tưới. Ống tưới nước thường khá nhỏ thôi, mình dùng loại 4mm, một đầu nó nối từ ống chính, đầu kia có một cái đầu phun nước tựa như vòi sen nhỏ gọi là Tricklers.

🪴 Đầu tưới nước (tricklers): Đầu tưới nước có nhiều loại, và mẫu mã, song theo mình chọn loại nào điều chỉnh được lượng nước sẽ tốt nhất cho quá trình dùng lâu dài. Loại này thường có ghi Adjustable trickler và bạn có thể vặn mở điều chỉnh độ xòe của tia nước, của lượng nước cũng như vặn đóng hẳn lại. Cũng có loại đi kèm một cái chân để cắm xuống đất cho dễ nữa

5. Lắp đặt.

Phần lắp đặt này mỗi nhà sẽ mỗi khác, tuy vậy đương nhiên là bạn sẽ lắp ống chính vào vòi nước trước, bịt đuôi ống cẩn thật. Rồi sau đó bắt đầu đục và nối các ống tưới nước từ đó.

Còn khá nhiều chỉ dẫn khác, ví dụ đo áp lực nước bằng thử nghiệm mở vòi xem bao lâu thì chảy đầy xô để từ đó tính ra được lượng nước dùng hay xem áp lực có quá mạnh, cần cái giảm áp suất không. Song nếu bạn không biết thì cũng đừng lo quá, cứ từ từ làm.

Tổng chi phí mua đồ lắp hệ thống cho vườn nhà mình tầm 600 đô bao gồm: 50m ống chính và cục wifi tốn một nửa chỗ đó, còn lại drip line rất rẻ, $70 là đc 100m, ống nối 4mm cũng rẻ, mỗi cây dùng hết 1m thì mua cuộn 50m cắt bét nhè. Đầu tricklers mình mua 2 loại, cả loại điều chỉnh được lượng nước adjustable và loại không điều chỉnh đươc, khi sử dụng thì thấy loại điều chỉnh được tuy mắc hơn nhưng đáng giá hơn hẳn. Mình mua tricklers hết khoảng $100, trong đó loại gói gồm 10 đầu điều chỉnh được, không kèm chân là phù hợp nhất: khoảng 13 đô mà được 10 đầu, không kèm chân cắm. Chân cắm có thể dùng que tre thay thế, dùng wire đầu tưới tùy theo độ cao cần thiết. Vậy là hết rồi đó! Lắp xong mấy bạn cứ ngồi nhà hay ngồi đâu cũng được mà tưới nước thôi. Đi du lịch xa cũng tưới bình thường rất yên tâm!

Mình cũng cám ơn các bạn đã hướng dẫn mình setup vườn rất mạch lạc, khoa học, làm theo được liền. Học hỏi Hội nông dân Melbourne nhiều rồi giờ mới có dịp đóng góp. Chúc các bác nông dân luôn vui

Related Posts