Guerrilla testing là một phương pháp thử nghiệm nhanh, ít tốn kém UX research

Guerrilla Testing – thử nghiệm kiểu con nhà nghèo học giỏi

USABILITY TESTING NGOẠI TRUYỆN

Trong một số post mình đã từng đề cập đến Testing – Thử nghiệm bản thiết kế – một khâu quan trọng trong quá trình thiết kế sản phẩm. Trong khi hầu hết UX designer đều từng thiết kế user interface (UI) chút đỉnh, testing lại là phần không phải ai cũng có kinh nghiệm.

Nguyên nhân thì nhiều vô kể. Thoạt tiên là chi phí. Cách đây chỉ độ 5 năm, một lần testing (Ví dụ 3 ngày) sẽ tốn chừng $20,000. Mặc dù ở Úc, lương của 1 người làm tư vấn UX là khoảng từ $500-1200/ngày, 20,000 vẫn là rất tốn kém. Dự án cũng phải tầm 200 nghìn đô tới vài triệu mới thường có nhiều ngân sách cho testing. Bọn mình test tại phòng lab. Các phòng lab này có đầy đủ máy móc như laptop, điện thoại sử dụng trong test, đồng thời có gắn hệ thống camera ghi được vài góc quan sát, và thường có 2way mirror, để người ngồi phòng bên có thể quan sát, và nếu cần thì trò chuyện luôn.

Để có thể test thường xuyên hơn và giảm chi phí, một số công ty tự xây dựng tổ hợp các phòng testing dùng cho nội bộ công ty. Các phòng lab sẽ có quy mô lớn nhỏ khác nhau, có phòng chỉ 6m2 test 1-1 có phòng 50m2 cho nhóm lớn, có phòng chờ cho người tới tham gia testing, có cả lễ tân vv… Lúc này chi phí cho mỗi lần test giảm xuống chỉ còn vài nghìn đô. Đến thời covid thì tụi mình chuyển hết qua test online. Nhưng cái đấy lại phải đợi bài sau mà test online thì cũng vẫn cần budget, thường là cũng vài nghìn đô chứ không rẻ hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ tốn vài nghìn đô nhưng nếu lúc dự trù kinh phí chưa đưa khoản này vào thì cũng chịu. Để dự án đang ở giai đoạn dự trù có người lên tiếng ‘Này chúng ta cần phải đưa chi phí cho UX testing vào’ thì phải có ai đó hiểu về UX, hoặc tốt hơn cả là làm UX ở đó. Nghĩa là người đó phải có vị trí nhất định trong công ty mới có thể lên tiếng đúng lúc. Ở các công ty nhỏ, và không có người làm thiết kế ở vị trí chiến lược phía trên thì điều này thường khó xẩy ra.

THỬ NGHIỆM KIỂU CON NHÀ NGHÈO

Thế là có những lúc các bạn thiết kế UX sẽ cho ra đời các thiết kế, mà bản thân chúng ta thấy đúng lắm rồi, nhưng đồng thời cũng không chắc lắm?

Những bạn rất chắc chắn thường là những bạn mới đi làm. Còn ai đã làm một thời gian, sẽ ý thức được khi dành quá nhiều thời gian phát triển 1 sản phẩm nào đó, thông thường chúng ta sẽ bị bias, nó là đứa con cưng của chúng ta. Những điều người bên ngoài chưa từng thấy, với chung ta là quen thuộc, những điều ta thấy là đương nhiên biết đâu người dùng lại thấy khó hiểu? Bởi vậy luôn cần có thử nghiệm để có được góp ý khách quan từ bên ngoài.

Bữa nay mình viết về Thử nghiệm kiểu Con nhà nghèo – Guerrilla Usability Testing.

TEST GÌ PHÙ HỢP?

Thông thường nếu không chắc lắm về 1 chi tiết trong thiết kế, các bạn có thể dùng cách này. Ví dụ các bạn muốn kiểm tra phản hồi của các bạn sinh viên trong việc chọn khoá học. Bản thiết kế bao gồm 3 mẫu cho mega menu, với labels khác nhau thì các bạn có thể dùng Guerrilla testing. Nếu cần test những trải nghiệm phức tạp hơn thì cần cân nhắc vì thời gian cho test này thường chỉ 5-15 phút mà thôi.

Guerrilla testing phù hợp với các thiết kế đại chúng, toàn dân. Và chống chỉ định với các thiết kế đòi hỏi có kiến thức riêng về 1 lĩnh vực nào đó.

CHUẨN BỊ

  • Hãy viết xuống những gì bạn muốn hỏi. Cái này gọi là Scope of the research. Ví dụ Thiết kế layout nào cho mega menu, label nào cho trang Đăng ký. Hoặc quan sát user sẽ tìm thông tin XYZ như thế nào? Viết hết xuống. Nếu có 1 chuỗi tác vụ (tasks), hãy lên danh sách làm sao cho chúng ăn khớp thành 1 chuỗi, chứ không cái nọ đá cái kia.
  • Nếu được hãy ghi âm, có thể dùng các phần mềm transcribe thành chữ luôn kèm theo bản ghi âm.
  • Hãy chuẩn bị bản thiết kế trên máy tính (clickable) hoặc in ra. Loại test này có thể test cả Content understanding với bút và giấy.
  • Trước khi test, hãy chạy nháp 1 lần (pilot test) để xem có chỗ nào cần điều chỉnh, hay điều gì cần lưu ý.
  • Nếu có 2 người cùng đi, 1 người trò chuyện 1 người ghi chép thì tốt. Còn nếu không bạn sẽ phải xem lại phần ghi âm và tập chép nhanh.

TÌM NGƯỜI DÙNG (USER)

  • Dựa trên đối tượng người dùng thật của sản phẩm, các bạn phải chọn được ít nhất là người dùng thật, hoặc không thì cũng gần nhất có thể. Ví dụ các bạn test bản thiết kế của một lớp học online, thì hãy đến trường học, đến tiệm cà phê hay khu vực gần trường, sảnh gần thư viện.
  • Đơn giản là bạn hãy tiếp cận người qua lại, chào họ, nói với họ về thiết kế mới và hỏi xin feedback.
  • Hãy hỏi trước để chắc chắn họ có thể dành thời gian cho mình, cố gắng đừng quá 15 phút. Họ có thể sẽ giúp bạn, bù lại bạn có thể mời họ 1 ly cà phê.
  • Ví dụ Xin chào bạn. Tụi mình tên là Minh và An, tụi mình làm thiết kế dịch vụ online cho trường ĐH FPT. Bữa nay tụi mình mới thiết kế xong một dịch vụ tìm chọn khoá học online và muốn cho bạn xem để thu thập phản hồi giúp cho thiết kế tốt hơn. Nếu bạn có 15 phút có thể giúp được không, tụi mình cũng muốn cám ơn bạn bằng cách mua trà sữa bất kỳ loại nào bạn chọn…. Tiếp cận 1 người lạ và nhờ họ giúp là một điều không phải ai cũng thấy dễ (mình thấy khó!) nhưng nếu tập thì chúng ta sẽ thấy cũng không đến nỗi nào. Sẽ có người từ chối, nhưng cũng sẽ có người nhiệt tình giúp đỡ.
  • Trước khi test hãy trò chuyện chút xíu với người dùng để có thông tin cơ bản. Ví dụ Bạn tên gì, bạn đang học trường đây? Bạn có từng xem các khoá học online để chọn xem muốn học thêm gì chưa..
  • Giống như usability testing thường, hãy yêu cầu họ nói lên suy nghĩ thành lời. Ví dụ, Đây có vẻ như là trang giới thiệu các khoá học ngắn ngày, tôi thấy có 8 khoá tất cả, đây là tên khoá học, còn cái icon này nghĩa là gì mà trông khó hiểu quá… muốn tìm khoá học ngành thiết kế, tôi sẽ click vào đây…
  • Các bạn có thể yêu cầu họ click vào khu vực nào đó cụ thể sau khi họ đã xem sơ và chia sẻ suy nghĩa.
  • Các bạn cũng nên thể hỏi thêm Tại sao họ chọn vậy.

Nguyên tắc nằm lòng trong lúc test là Khoá miệng lại, hãy để người dùng nói (Shut up, let the user do the talk). Điều này nghe tưởng dễ mà hoá ra khó không tưởng. Nhớ nha, hãy quan sát, khi testing đừng có nói nhiều hơn user của mình

CHỈNH SỬA DỰA TRÊN QUAN SÁT, GHI CHÉP

Nếu đã từng dùng Guerrilla testing, các bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra đúng là có hỏi có hơn, kể cả là hỏi 5 phút. Kiểu gì kết quả cũng cho thấy những điểm cần xem lại. Và khi test khoảng 10 người thì pattern của vấn đề cũng dần rõ rõ hơn.

Từ những ghi chép và quan sát đã thu thập được, các bạn hãy sửa lại thiết kế cho tốt hơn. Vậy thôi đó!

Guerrilla testing chuẩn bị khá nhanh, đơn giản, hỏi-đáp cũng nhanh, nên các bạn chỉ mất 1,2 ngày là có khá nhiều phản hồi để chia sẻ lại cùng team. Tất nhiên đây không phải là một phương pháp được dùng chính thống, nhưng đem sản phẩm ra ngoài kia nhận feedback, dù ít dù nhiều, dù có phương pháp nghiên cứu bài bản hay chỉ đơn giản như thế này, cũng vẫn hơn là không hỏi gì nha. Và trong các phương pháp test, đây vẫn là phương pháp con nhà nghèo, tuy đơn giản nhưng vẫn có hiệu quả nhất định. Chúc các bạn test vui!

Related Posts