Trong một lần đi Western Australia chơi, mình có ghé Freemantle, một khu phố cổ nho nhỏ, xinh xinh của Perth. Thời điểm ấy Freemantle khá vắng vẻ do mới chỉ vừa qua giai đoạn COVID. Ở đây vẫn có một số bảo tàng nhỏ để ghé thăm, ví như Marine time hay bảo tàng Thuyền đắm (shipwreck). Marine time bán vé vào cửa nhưng trưng bày hơi lộn xộn tính ra không bằng bảo tàng Thuyền đắm miễn phí cũng gần đó. Mình chỉ ghi nhớ hai nội dung của bảo tàng Marine time.
Cá mập hiếm Megamouth
Một là tiêu bản con cá mập cực hiếm tên là Megamouth shark. Con này miệng nó có tới 6 lớp răng, dài 5m, tiêu bản cá nằm trong cái hộp kính. Trên thế giới đó giờ người ta mới gặp nó có vài lần, rất rất hiếm. Con này cũng chỉ ăn tôm bé và plankton (con phù du?) thôi.
Lịch sử nghề làm ngọc trai ở Broom
Nghề làm ngọc trai khởi phát ở Broom, đây là một địa điểm du lịch đẹp tuyệt cách Perth chừng 500km chạy lên phía Bắc, còn ngọc trai vốn là mảng xuất khẩu khá lớn của Úc. Suốt một chặng lịch sử dài, người thổ dân, nô lệ Châu Á, người Malaysia và Nhật đã bị bắt làm thợ lặn khai thác ngọc trai. Đến thế kỷ 19 phụ nữ và trẻ con mới được luật pháp bảo vệ nhưng đàn ông vẫn bị bắt lặn, rất nhiều người đã chết.
Nghề nuôi trai lấy ngọc áp dụng kỹ thuật cách cấy ngọc trai của người Nhật vốn đã thuần thục từ rất sớm trước đó. Sơ lược, lịch sử nghề trai trải qua những cột mốc như sau:
- 1894: Nhật đã nuôi trai lấy ngọc thành thạo
- 1911: Hiệp hội ngọc trai Broom vận động để cấm nuôi trai lấy ngọc
- 1950: Úc bắt đầu có farm ngọc trai nên lại bỏ lệnh cấm
Từ năm 1950 tới nay toàn là nuôi trai thôi.
Nếu ai đọc tin tức và quan tâm tới vụ sữa bột ở Mỹ gần đây sẽ nhận ra luật trên ra đời để bảo vệ hàng nội địa và lợi nhuận cho người kinh doanh địa phương chứ chả liên quan gì lắm đến chất lượng sản phẩm là mấy.
Khu vực trưng bầy này của bảo tàng khá đầy đủ thông tin, dù khá nhỏ.
Buồn cười, bảo tàng có một số ảnh chụp cảnh những núi cứt chim, được khai thác để bán nữa. Đó giờ mình cứ tưởng trên đời ngoài cứt chim rớt xuống đầu không có gì miễn phí, hoá ra cứt chim cũng không miễn phí vì nó là nguồn phân bón rất tốt, cũng bị khai thác cạn kiệt luôn. Chốt là đời không gì miễn phí đâu các em nhé!
Bọn mình chỉ ở Freemantle vài hôm rồi quay lại Melbourne. Để kể nốt chuyện ở sân bay.
Tới lúc đi qua cửa An ninh ở sân bay, mình mới sực nhớ ra mình bỏ iPad vào túi trước của vali đã check in. Cái túi đó mở nhanh được ở mặt trước vali, tức là nó không có lớp đệm nào cả, lại là size lớn 12.9in với kiểu quăng đồ ở sân bay thì dễ là vỡ thôi. Thế là mình vội quay lại khu vực self-checkin, khách đi chỉ drop bag nhưng may sao vẫn có khoảng 3-5 nhân viên và 1 máy tính.
Mình bảo một cô nhân viên trong số đó rằng mình vô tình để iPad trong checkin bag mất rồi, mới 5 phút thôi, hi vọng túi vẫn còn trong băng chuyền kia, mình đưa tay chỉ đám băng chuyền. Câu đầu tiên cô này hỏi là đi đâu vậy. Mình bảo đi Melbourne. Rất nhanh, cô đưa mắt nhìn cái bảng các chuyến bay bảo 6h hơn phải không? Ok để tao lấy ra cho.
Để lấy lại đồ đã ký gửi, cô nhân viên phải gọi cho một nhóm khác, mất thêm chút thời gian. Cô nhún vai bảo I am happy to go get, còn lâu mới bay mà, có gấp đâu. Quả thật lúc đó mới 4h hơn, tụi mình ra sân bay sớm để trả cái xe thuê đúng giờ thôi.
Thế là cô ấy gọi điện thoại xong bảo ra cái cửa đôi đợi người ta thả vali ra cho, lấy đồ rồi check in lại. Tóm lại chỉ mất độ 2 phút thôi. Mình rất thích cách cô ấy xử lý việc mạch lạc ở chỗ là hỏi Bay đi đâu để biết chuyến đó boarding lúc mấy giờ coi kịp không, rồi mới dựa vào đó trả lời. Cũng hên là khi dán cái tag vào túi hành lý, mình có bóc cái mã dán lại vào boarding pass nên mình nói đc liền hành lý là số nhiêu (vì cái pass hành lý nó liệt kê chuỗi số chứ nó không nói số nào là bag nào).