Mở lời: Bài viết này dành cho các bạn có dự định lấy thường trú Úc diện tay nghề cao. Các bạn có thể tự nộp đơn, không nhất thiết phải thông qua công ty môi giới hay agent đâu. Mình cùng rất nhiều bạn bè quen biết đã thành công nộp hồ sơ diện này, các bạn có điểm chung hầu hết trong độ tuổi 30, từng trải với kinh nghiệm làm việc, giao tiếp tiếng Anh tốt, và có tay nghề trong danh sách. Các bạn có thể tham khảo danh sách nghề tại đây (Skilled occupation list). Danh sách cập nhật thường niên và các bạn nên xem trực tiếp tại nguồn thông tin tin cậy của chính phủ Úc.
Nói vui chứ hành trình phá đảo lấy PR diện tay nghề cao (Skill select) giống như chơi game gom điểm vậy. Với hướng đi Skill Select bản thân chúng ta chính là thứ TÀI NGUYÊN mà các quốc gia tìm kiếm. Còn với chúng ta thì đất lành chim đậu, đôi khi, đơn giản là ở đâu quen đó đi học thì ở lại cũng tiện. Hình dung hành trình này giống chơi Game. Để lên level chúng ta phải ‘săn’ đủ điểm.
Săn điểm
Có 3 điểm thưởng rất to cần nhặt trước tiên.
Thứ nhất, điểm tuổi.
Tuổi, trẻ quá điểm cũng thấp mà tuổi quá thì còn cống hiến gì nữa. Điểm tuổi cao nhất từ tầm 25-31 tuổi, sau đó sẽ giảm. Sau 45 tuổi thì không còn được điểm nào nữa.
Tiếng Anh.
Tiếng Anh càng tốt, càng nhàn. Không sử dụng đc tiếng Anh tốt sẽ rất khổ, nhiều khi giống như… nàng tiên cá trên cạn vậy, vất vả lắm. Yêu cầu điểm IELTS trình độ tối thiểu 6.0. Do mức 6.0 thực ra thấp lắm, đi làm giao tiếp cũng sẽ lóng ngóng nhiều nếu chỉ được 6.0 thì không được điểm nào cả. Còn bạn nào giỏi thi Ielts 8.0 thì lượm luôn 20 điểm.
Học vấn.
Mỗi bằng cấp sẽ được cộng điểm khác nhau: Bằng trade (thợ xây, làm tóc…) được 10 điểm. Đại học, master nói chung đc 15 điểm. Nhẩy cao được tới PhD đầu to chúng ta sẽ nhặt 20 điểm. Để biết nghề nào nằm trong danh sách các bạn search chữ ‘SOL immigration + tên quốc gia, và tìm hiểu xem để làm assessment thì sẽ cần gì. Mỗi ngành sẽ có 1 cái code. Search theo code sẽ ra đơn vị đánh giá tay nghề. Mỗi nghề có 1 checklist tiêu chí đánh giá riêng. Ví như, ngành engineer thì phải viết cái report dự án, ngành IT phải có 2 năm kinh nghiệm đi làm.
Cách tính điểm, point-based test
Nói về điểm, khi có tối thiểu 65 điểm thường bạn sẽ đủ điều kiện nộp Tay nghề. Ví dụ như: bạn 30 tuổi, tiếng Anh 7.0, bằng Đại học, tuổi nghề 10 năm = 30 + 10 + 15 + 10= 65. Tuy nhiên người ta lấy từ cao xuống nên điểm càng cao các bạn sẽ càng có lợi.
Các bạn có thể tự tính điểm tại đây
Ví dụ ngành Policy Analyst có yêu cầu các bạn: có bằng đúng ngành, có công việc + lương đúng trình độ bằng cấp, làm ít nhất 1 năm kinh nghiệm, toàn thời gian, job description miêu tả công việc ít nhất 50% trùng khớp với yêu cầu trong miêu tả của SOL, có chứng nhận của công ty. Đây là ví dụ về một ngành hiếm, nhận vào ít, những ngành này khi chỉ yêu cầu 65 điểm, ngặt nỗi lại khó học, khó kiếm việc, ít người xin được liền kịp thời trong lúc visa ‘hậu sinh viên’ hãy còn tác dụng. Nên mỗi ngành 1 cái khó vậy.
Trong khi đó ngành có số lượng nhận cao như kế toán (10,000+ /năm) nhiều người học, có lúc yêu cầu tới 90 điểm. Cách đây mấy năm nhiều ngành trong list trên chỉ cần bằng tốt nghiệp, giờ có ngành đòi thêm 3 năm kinh nghiệm, ai học ra mà không sống đc bằng nghề thì không công nhận Tay nghề cao được. Không assess được skill thì khỏi nộp hồ sơ mất công. Mặt bằng chung, điều kiện càng lúc càng khó lên và tổng điểm đòi càng lúc càng cao hơn.
Vì điểm càng cao càng tốt, nếu chơi game ta phải tranh thủ đi nhặt điểm thưởng: bằng phiên dịch, học vùng sâu vùng xa. Có 1 con đường dài hơn chút là nộp hồ sơ một số ngành có State sponsor. Đường này thêm một bước là sau khi nộp EOI các bạn cần đợi thư Sponsor của State. Nếu khi được mời là bạn được thêm 5 điểm. Nộp hồ sơ định cư với người Việt hầu hết là một hành trình tương đối mệt mỏi, và hiếm khi dễ dàng.
Sang Úc nộp, hay nộp từ nhà?
Tuy vậy, chúng ta thể ngồi ở VN mà apply không cần phải sang Úc (hay Canada vv) chỉ để nộp đâu, cách đó các bạn sẽ đỡ bị stressed và giảm được khá nhiều chi phí. Khi các bạn sang mọi thứ đã đâu vào đó rồi, lại được trợ giúp của chính phủ. Như trường hợp những bạn mình biết: Bạn đó cùng chồng sang kèm hai con nhỏ, được trợ giúp tiền bắt đầu cuộc sống mới, con cái đi học liền còn ba mẹ nhận trợ cấp tới khi có công việc. Một bạn khác nộp hồ sơ theo diện Kiến trúc sư, tiếng Anh không tốt lắm thì được học tiếng Anh bổ túc. Những khóa tiếng Anh này cũng hướng dẫn các bạn hòa nhập cuộc sống, tìm hiểu văn hóa chứ không chỉ là ngôn ngữ.
Cuối cùng, chi phí tham khảo: Cách đây một vài năm chi phí cho Assessment hết tầm $800 đô Úc. Nộp PR hết tầm $3500. Khám sức khoẻ hết tầm $300. À bạn nhận được giấy đòi khám sức khoẻ là biết hồ sơ mình đã gần xong rồi đó nha. Trong khi đó, khi xin gia nhập quốc tịch thì trả phí đâu cỡ $200 thôi. Do chi phí cũng thay đổi theo thời giá nên các bạn kiểm tra lúc sắp nộp thì con số sẽ sát thực hơn.
Hồ sơ dạng tay nghề cao sơ sơ là vậy, nói chung mình cứ ủng hộ bạn bè ai đã có dự định, quyết tâm thì nên tìm hiểu thêm vì không việc gì là không thể. Chúc các bạn may mắn.