#sổ_tay_làm_vườn
Tính ra khoai tây có quá nhiều loại, cả mấy nghìn loại từ những loại phổ biến khoai trắng, vàng, đỏ đến những loại hiếm như khoai tây đen. Lần đầu trồng ai thấy nó ra hoa chắc trầm trồ khen xinh, xong bới ra thấy củ thì rú lên tưng bừng hơn nữa. Còn mình chả trồng nữa thì giờ nó tự mọc rải rác.

Củ khoai tây đã cứu cả thế giới như thế nào
Khoai tây (và cả cà chua, ngô) vốn quê Nam Mỹ. Khi người Tây Ban Nha càn quét Peru và nhặt hết của cải về Châu Âu thì có mang theo củ khoai tây. Khoai tây nhanh chóng trở thành bạn thân của người nông dân nghèo là bởi:
✍️ Không cần bò kéo, chỉ cần có cái bay đào đất xíu trồng xuống. Không cần ruộng cả thửa trồng đâu cũng được. Nói chung trồng rất dễ.
✍️ Nông dân nghèo dùng đất thuê thì phải nộp thuế bằng sản vật. Tuy nhiên khoai tây lại không để lâu được. Ở châu Âu cất kho là nó mọc mầm, hỏng. Nên cuối cùng các lãnh chúa không thèm đánh thuế khoai tây nữa vì không có kho mà chứa, nhờ vậy người người nghèo có đủ mà ăn
Ở quê Peru người ta không có vấn đề này, khoai tây cứ bỏ ra ngoài, trời lạnh, khoai đóng băng lúc nào ăn thì lấy ra nấu. Còn ở châu âu thì cách giữ khoai lâu tốt nhất và cứ để nguyên trong đất, nấu một nồi nước sôi rồi mới ra vườn đào khoai.
✍️ Sau cùng trong chiến tranh loạn lạc, ngũ cốc thì bị trấn lột ngay chứ khoai ngoài vườn phải biết chỗ mới đào lên được. Do vậy không được tiện lợi lắm cho quân ăn cướp. Nhờ vậy người nghèo mới còn khoai mà ăn.
Hàng trăm triệu người đã vượt qua cơn đói và chiến tranh nhờ khoai tây vậy đó
Ngày nay khoai tây là một ngành nông nghiệp lớn, như ở Úc là riêng nó trị giá 1 tỉ đô (ngành du học to như thế 50 tỉ đô nhé). Bản thân mình rất thích các loại khoai tây, harshbrown, khoai chiên, bỏ lò, súp khoai tây, khoai tây nghiền… Và đây là các ghi chép về kinh nghiệm trồng khoai.
Kinh nghiệm trồng khoai tây của mình
Thứ nhất là trồng bồn, trồng trong túi, bao tải này nọ không khi nào ổn bằng trồng vào đất đâu nhé. Hãy trồng thẳng xuống garden bed, sẽ nhàn hơn rất nhiều và nhiều củ hơn
Đất
Đất phải là đất cát, loại rời rạc, dễ thoát nước. Điều này đúng với hầu hết các loại củ nói chung. Mọi người cứ logically nghĩ xem củ nó lớn thì phình ra, nếu đất sét hay chặt quá thì làm sao mà sống được?
Chuẩn bị khoai
Nếu trồng bằng khoai giống thì đợi nó mọc mầm, lấy dao bổ củ khoai tây, chia đều các mắt. Nhưng KHÔNG nên trồng ngay, xếp lên khay để tầm vài ngày cho nó se bề mặt bị cắt, như kiểu liền sẹo ấy, rồi hẵng trồng
Đấy là ai cẩn thận chứ mình ném vỏ khoai tây ra vườn nó cũng tự mọc nữa
Vun gốc
Cuối cùng quan trọng nhất là trồng. Nơi trồng nên có nắng cả ngày ấy. Và cây cứ mọc cao lên thì vun thêm đất vào quanh gốc cây, ví dụ cây cao 20cm thì phủ thêm đất, rơm lên thành một ngọn cao 10cm. Nó cao lên tiếp thì lại vùi tiếp! Vun thành một cái ‘đồi’ cao tầm 40cm. Đây chính là nơi các củ khoai tây sẽ hình thành và lớn đấy ạ.
Đấy nhé, thay vì đợi khoai nó mọc sâu xuống dưới thì ta vun đất lên trên. Lúc cần chỉ cần bới ra là thấy củ ngay.
Tưới nước
Tuần tưới 1,2 lần. Mình còn không thèm tưới luôn nhưng nó mọc cách cái drip line đường nước nhỏ giọt khoảng 30 nên chắc hút nước từ đó. Drip line này mình hẹn giờ cho chạy 20 phút mỗi sáng
Thu hoạch
Ngoài ra khi nào khoai ra hoa thì người ta hay nhổ lên thu hoạch nhưng mình khuyên là không nên làm vậy. Hãy bới quanh gốc cây và chọn củ to mà mang vào ăn, có thể cắt cây đi cho gọn, cho mọc mới nếu thích. Nhưng không cần nhổ lên. Cây sẽ tiếp tục sống ở đó và củ non sẽ lớn tiếp.
Sâu bệnh
Sâu gần như không có vì ít con sâu nào thèm ăn lá khoai tây, có thể bị leaf miner và spidermite nhưng vườn mà khoẻ, nhiều côn trùng có ích thì rất hiếm sâu bệnh.
Bảo quản sau thu hoạch
Bảo quản chỗ tối và khô ráo. Nếu đất vườn khô ráo thì kệ nó ngoài đó, khi nào ăn ra bới vài củ mang vào dùng là hay nhất!